Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

TNS Mỹ Jim Webb: "Trung Quốc ngày càng hung hăng"

TTO - Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng, theo thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb tranh luận ở thượng viện về vấn đề biển Đông ngày 26-7. Ông cho rằng việc thành lập "thành phố Tam Sa" có thể vi phạm luật pháp quốc tế.


Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb - Ảnh: marinecorptimes.com


Phát biểu trong một phiên tranh luận ở thượng viện ngày 26-7, ông Webb - chủ tịch tiểu ủy ban quan hệ đối ngoại với Đông Á và Thái Bình Dương của Thượng nghị viện Mỹ - nói việc thành lập "thành phố Tam Sa" và các hành động khác của Trung Quốc gần đây trên biển Đông là đơn phương và có thể vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo Hãng tin UPI, ông Webb yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải làm rõ lập trường với Trung Quốc và báo cáo lại cho Quốc hội, theo thông báo trên trang web chính thức của ông.

“Với sự gia tăng các hành động liên quan tới quân sự, Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng”, ông Webb nói, nhắc lại việc chính quyền Bắc Kinh tháng trước đã thông qua việc thành lập cái họ gọi là "vùng đô thị cấp huyện Tam Sa".

“Việc thành lập chính quyền này nói thẳng là đơn phương và không có cơ sở ở một khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Thành phố này được họ tạo ra để cai quản khoảng 200 hòn đảo, bờ cát và đảo san hô ở một diện tích biển 2 triệu km2 - ông Webb nói - Họ đã chiếm đóng các đảo này, hiện đang có tranh chấp chủ quyền và họ đã tuyên bố một khu vực hành chính chiếm toàn bộ biển Đông”.

Ông Webb cho rằng Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận song phương vì họ có thể “bắt nạt bất cứ quốc gia nào trong vùng”.

Những đồng nghiệp của ông Webb, nghị sĩ John Kerry cùng nghị sĩ Cộng hòa Richard Lugar, John McCain và James Inhofe đã đồng đứng tên một nghị quyết hối thúc Trung Quốc và ASEAN hoàn tất bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp trên biển Đông và các vấn đề trên biển khác trước khi căng thẳng gia tăng thêm, theo tạp chí Foreign Policy.

Bài báo cũng nói nghị quyết này xác nhận lại cam kết của Mỹ hỗ trợ các nước ASEAN tiếp tục mạnh mẽ, cam kết thắt chặt hơn quan hệ đối tác Mỹ - ASEAN.

HẢI MINH

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Học giả Trung Quốc bác bỏ 'đường lưỡi bò'

Lý Lệnh Hoa, một nhà nghiên cứu lâu năm về biển và luật biển, thẳng thắn chia sẻ quan điểm phản đối "đường lưỡi bò", và nói rằng Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế tại Biển Đông.
> Sự đuối lý của 'đường lưỡi bò'
> Trung Quốc gia tăng áp lực với Việt Nam


Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa, 66 tuổi, cựu nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc . Ảnh: Blog.sina

Học giả Lý Lệnh Hoa (Li Linghua), nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc, là người có nhiều năm nghiên cứu và có nhiều bài phân tích về vấn đề biển và luật biển trên các báo và tạp chí lớn của Trung Quốc. Ông có nhiều bài phát biểu thẳng thắn phê phán những quan điểm sai trái về vấn đề Biển Đông, bác bỏ cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”), chủ trương giải quyết những tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.

Học giả Lý Lệnh Hoa từng công bố bài báo "Xung quanh vấn đề 'đường lưỡi bò' và quy định về biên giới trên biển quốc tế" trên báo Tin tức Ngư nghiệp của Trung Quốc tháng 12/2005. Theo những nghiên cứu của ông, chứng cứ lịch sử của Trung Quốc tại vùng biển Nam Hải (Biển Đông) không rõ ràng, thiếu căn cứ và không có tính thuyết phục.

Ông Lý cho rằng vẽ ranh giới như vậy không chỉ trùng lặp với vùng đặc quyền 200 hải lý của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, mà thậm chí còn bao gồm luôn cả vùng biển Kepulauan Natuna của Indonesia. Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày một nóng, Trung Quốc không nên lẩn tránh và cũng không thể lẩn tránh câu hỏi của quốc tế về tính hợp pháp của "đường lưỡi bò", ông Lý viết.

Đường lưỡi bò trên bản đồ do Trung Quốc tự vẽ. Đồ họa: Economist

Ông cũng có bài viết "Lập hàng rào rõ, để có quan hệ tốt với láng giềng" đăng trên Thời báo Hoàn cầu tháng 6/2011, cho rằng việc coi "đường lưỡi bò" do chính quyền Trung Hoa dân quốc vẽ ra năm 1947 là ranh giới phân định vùng biển của Trung Quốc là quan điểm thủ cựu và nhận thức sai lầm. Chủ trương đơn phương này không thể phát huy tác dụng trong việc giải quyết các vấn đề trên biển Nam Hải.

Thay vào đó, ông đề xuất nên căn cứ vào vùng đất liền hoặc những đảo lớn và từ đó khai thác vùng biển trong phạm vi 200 hải lý theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Như vậy sẽ tránh được việc phải phân định ngay chủ quyền trên các đảo nhỏ, để biến chính sách "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc thành hiện thực.

Ông cũng nhắc lại quan điểm của mình trong cuộc hội thảo với các học giả uy tín khác của Trung Quốc, do Viện nghiên cứu Thiên Tắc tổ chức ngày 14/6 vừa qua. Ông một lần nữa khẳng định trước hội thảo rằng "đường lưỡi bò" là không hề có căn cứ, là do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947 và không được các quốc gia khác công nhận.

Trong khi đó, Công ước về Luật biển quy định mỗi quốc gia ven biển đều có thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý rộng lớn, nhằm tạo công bằng cho các nước cũng như thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển và nghiên cứu khoa học. Học giả Lý Lệnh Hoa khẳng định đây là cơ chế hữu hiệu để giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Trung Quốc đã ký kết tham gia Công ước thì cần chấp hành quy định của Công ước, giữ chữ tín với thế giới.

Trên trang cá nhân của nghiên cứu viên đã nghỉ hưu này, ông đăng bài viết "Không nên có những quan điểm lỗi thời về 'đường 9 đoạn' ở Nam Hải", và bài "Các học giả cần thay đổi căn bản nhận thức về vấn đề Nam Hải" phản đối ý kiến của các chuyên gia của Trung Quốc trong những sách nghiên cứu về lịch sử và hiện trạng Biển Đông.

Trong mục trao đổi với những người theo dõi, để lại lời nhắn (comment) trên trang cá nhân của ông, ông cũng giải thích rõ ràng để mọi người hiểu bản chất của vấn đề. Theo ông, do hình ảnh "đường lưỡi bò" được đưa vào sách giáo khoa nên đã tạo ra suy nghĩ sâu sắc cho nhiều thế hệ người dân Trung Quốc rằng đây là "quốc giới" trong khi nó lại không được thế giới công nhận. Nếu vẫn tiếp tục khẳng định như trên thì căng thẳng tại Nam Hải không bao giờ kết thúc. Ông mong muốn học giả và người dân Trung Quốc có thể tiến cùng thời đại, tìm hiểu sự thực và thay đổi quan niệm chưa đúng đắn của mình.

Vũ Hà

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Bản đồ TQ 1904 thu hút đông đảo người xem

TTO - Sáng 25-7, lễ tiếp nhận tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ Trung Quốc 1904 chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa không thuộc Trung Quốc diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 1 Tràng Tiền, Hà Nội.


Đông đảo người dân đã đến để tận mắt chứng kiến tấm bản đồ là vật chứng quan trọng khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam này.

Nhiều người xem tấm bản đồ của Trung Quốc in năm 1904 không có Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam


Tiến sĩ Mai Hồng giải thích cho người xem về tấm bản đồ của Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa


Tiến sĩ Mai Hồng trao lại tấm bản đồ cho đại diện Bảo tàng lịch sử quốc gia - Ảnh: Việt Dũng


Tấm bản đồ này được tiến sĩ Mai Hồng trao lại cho bảo tàng nhằm lưu giữ, bảo quản cẩn trọng, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, đồng thời giới thiệu tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.

Tấm bản đồ hiện được trưng bày tại Phòng trưng bày chuyên đề của bảo tàng.

NGA LINH

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Hoạt hình Việt Nam "Đại chiến Bạch Đằng" gây sốt

Bộ phim ngắn có độ dài hơn 6 phút thuật lại bản anh hùng ca trên sông Bạch Đằng năm 938 do nhóm 6 sinh viên của Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) thực hiện, đã gây sự chú ý trong cộng đồng mạng hai tuần qua.
Được đưa lên Youtube từ cuối tháng 6, hoạt hình ngắn Đại chiến Bạch Đằng được nhiều cư dân mạng đón nhận nhiệt tình với nhiều lời khen và góp ý. Đây là tác phẩm tốt nghiệp chuyên ngành Hoạt hình của nhóm sinh viên 6 người tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM). Phim tái hiện cuộc chiến chống quân Nam Hán vào năm 938 của Ngô Quyền.
Tạo hình nhân vật trong "Đại chiến Bạch Đằng" khá thuần Việt.
Đại chiến Bạch Đằng sử dụng hình ảnh vẽ 2D, xen lẫn một vài cảnh hiệu ứng hình ảnh 3D. Mặc dù kỹ xảo, cử động của các nhân vật vẫn còn khá thô sơ và cứng nhưng bộ phim đã nhận được nhiều lời động viên với hơn 70.000 lượt xem trên Youtube cùng gần 700 lời bình luận.
6 sinh viên trẻ Vũ Đức Thịnh, Đinh Ngọc Chính, Nhữ Thị Thùy Diệp, Nguyễn Thanh Đức, Trần Hậu và Đặng Minh Quyền quyết định khai thác đề tài lịch sử Việt Nam trong bài thi tốt nghiệp - một đề tài vốn bị cho là khô khan và các nhà làm phim trẻ thường né tránh.
Phim tái hiện trận chiến lịch sử ở sông Bạch Đằng khi quân ta quét sạch giặc ngoại xâm Nam Hán.
Nhóm sinh viên cho biết mục tiêu của tác phẩm này là truyền tải ý chí mạnh mẽ cho mọi người yêu thích lịch sử nước nhà và tăng niềm tự hào dân tộc. Với kinh phí eo hẹp, nhóm phải hoàn thành bài tốt nghiệp trong 3 tháng, từ nghiên cứu lịch sử cho tới việc vẽ trang phục, tạo hình nhân vật.
Một khán giả có nickname honganhnamanh trên Youtube bình luận: "Phim dù chưa thực hoàn hảo nhưng khi xem tôi xúc động muốn khóc, vì cũng có ngày người Việt Nam chúng ta bắt đầu làm được phim về lịch sử hào hùng của dân tộc mình. Con cháu chúng ta có thể sẽ hiểu hơn về lịch sử. Chúng ta là người Việt Nam và hãy làm những gì có thể để xứng đáng với truyền thống đó".
Mặc dù đồ họa chưa thực sự nuột nà nhưng "Đại chiến Bạch Đằng" được nhiều lời khen khi khai thác lịch sử Việt Nam - vốn là một đề tài nhiều nhà làm phim hoạt hình né tránh.
Nguyễn Thanh Đức, một thành viên trong nhóm 6 sinh viên, tâm sự: "Vâng, lịch sử Việt Nam rất hào hùng. Chúng ta đều chung một nguồn gốc con rồng cháu tiên, thế con cháu lại không nhớ nòi giống mình mà lại nhớ lịch sử của nước khác nhiều hơn thì thật đáng buồn và đáng trách. Sức còn yếu nhưng cũng ráng làm cái gì đó cho dân tộc mình. Vừa làm vừa học sử luôn. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ bộ phim".
Phim hoạt hình Việt Nam trong một năm trở lại đây đã có nhiều khởi sắc và ngày càng có nhiều nhà làm phim trẻ nghiên cứu, tìm tòi, theo đuổi dòng phim này. Cuối năm ngoái, phim hoạt hình ngắn Cô bé bán diêm với hình ảnh 3D của nhóm True-D Animation cũng từng tạo nên tiếng vang trên mạng trong dịp Giáng sinh.
Xem phim hoạt hình "Đại chiến Bạch Đằng":
Theo VNE