Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Đỗ tốt nghiệp 100%, sao không bỏ kỳ thi?

Không thể thay đổi sự tụt hậu của đất nước nếu giáo dục trì trệ và chất lượng yếu kém như hiện nay. "Một trăm phần trăm" là bài ca buồn của cả đầu vào (tốt nghiệp THPT) và đầu ra (tốt nghiệp ĐH). Bộ GD-ĐT nghĩ sao khi đang "thành tích hóa" kỳ thi tốt nghiệp THPT và "tầm thường hóa" kỳ thi tốt nghiệp đại học?
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay làm "nức lòng" người dân cả nước. Năm sau cao hơn năm trước, năm nay tốt đẹp hơn năm kia là quy luật phát triển của muôn đời... Thế nhưng, điều kỳ lạ là dẫu không nói ra, mỗi chúng ta, những người ít nhiều gắn bó trực tiếp với nền giáo dục nước nhà, vẫn cảm thấy cái gì đó gờn gợn- có nghĩa là đáng phải bàn, đáng phải nghĩ thêm.
Trước hết, cần nhấn mạnh rằng đã có hàng ngàn ý kiến phàn nàn về chất lượng giáo dục trong suốt nhiều năm qua nên người viết bài này không bàn nữa. Chỉ xin nói về 2 chuyện: Thi tốt nghiệp THPT và chấm khóa luận tốt nghiệp đại học theo hệ tín chỉ; nghĩa là 2 kỳ thi quan trọng nhất của đại đa số người đi học.
Thi không trượt thì thi để làm gì?
Điều không cần nói mà ai cũng biết là sinh ra kỳ thi mục đích là để kiểm tra chất lượng người học, tức là tìm người đỗ đồng thời xác định người trượt. Nguyên tắc tối giản của bất kỳ cuộc thi nào cũng chỉ có một mà thôi: Học càng thật, thi càng khó; yêu cầu càng cao về chất lượng thì người thi trượt càng nhiều.
Vậy, nếu thi mà không ai trượt hoặc hầu như chỉ cho trượt gọi là, trượt cho có như các địa phương có tỷ lệ đỗ trên 99%, thậm chí 100% như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sóc Trăng..., thì thi có lẽ, tốn hàng tỷ đồng tiền của dân - của nước là một sự lãng phí chăng?
Nếu biện luận rằng một khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì dễ phát sinh tiêu cực, nghe qua, có vẻ như "có cơ sở"(?) Thật ra không phải vậy và hoàn toàn không như những người luôn thấy một nửa cốc nước đang vơi đi mà không chịu tin rằng thật ra, nó đang đầy lên.
Thứ nhất, về nguyên tắc, không thể có chuyện tiêu cực kéo dài suốt 12 năm trời và xảy ra với trên dưới 100 thầy, cô. Tức là, kết quả những năm học THPT chỉ được phép tính thêm hệ số (hệ số 3 chẳng hạn, tương tự ở THCS là hệ số 2 và tiểu học là hệ số 1) chứ không coi đó là kết quả duy nhất nhằm xét tốt nghiệp cho học sinh. Nếu áp dụng công thức này, chắc chắn đánh giá chất lượng học tập sẽ chính xác hơn rất nhiều.
Hình ảnh cắt từ clip gian lận trong kì thi tốt nghiệp ở trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang
Thứ hai, một số thầy cô giáo có thể chưa tốt, có thể phạm phải tiêu cực chứ không thể có chuyện tất cả giáo viên đều tiêu cực. Thử đặt câu hỏi: Một nền giáo dục mà không tin vào người dạy, làm sao đạt chất lượng trồng người?
Thứ ba, một khi bắt học sinh học cả chục môn rồi đến cuối năm chọn hú họa 6 môn cho thi thì chỉ có những người thật sự có tài - thiên bẩm, mới học nổi.
Ước mơ phổ cập giáo dục sẽ trở thành món hàng xa xỉ một khi chúng ta bắt 1 đứa trẻ thích học toán suốt ngày phải học thuộc lòng môn sử, môn địa... Tại sao không học theo các nước tiên tiến khi họ chỉ cho học sinh THPT học 4- 6 môn học có định hướng theo đam mê, sở thích, nhu cầu của nghề nghiệp tương lai, chứ không phải nhồi nhét cả hơn chục môn học như ở ta?
Thứ tư, nếu chất lượng giáo dục không bị ảnh hưởng hoặc chỉ bị ảnh hưởng rất ít do bỏ thi tốt nghiệp THPT thì tại sao lại không? Đó là chưa nói rằng cái sự bỏ sẽ đem lại rất nhiều lợi ích về tâm lý, sức khỏe, tài chính cho nhiều thế hệ, cho hàng triệu gia đình.
Thứ năm, sự kiện Đồi Ngô chỉ là một trong vô vàn ví dụ của cái chuyện "bị lộ" và "chưa bị lộ", chứ thật ra chừng nào ngành giáo dục còn chạy theo căn bệnh thành tích; chừng nào việc thi cử chỉ nhằm tạo ra kết quả... đẹp; và chừng nào mà mỗi mùa thi vẫn là "cơ hội vàng" để dạy thêm, "hỗ trợ thêm" trong các mùa thi, thì chừng đó, tiêu cực vẫn diễn ra và bài ca đỗ tốt nghiệp 100% vẫn sẽ tiếp diễn.
Đầu vào thật chặt, đầu ra thật... rộng?
Trong khi thi tốt nghiệp THPT tạo nên áp lực ghê gớm đến như thế - khiến cho cả nước mất ăn, mất ngủ hàng tháng trời thì đầu ra - bàn giao sản phẩm giáo dục cho xã hội, thì lại bị coi nhẹ một cách khó hiểu. Chương trình đào tạo theo tín chỉ hiện nay (áp dụng năm đầu tiên) rất bất cập (sẽ dành bàn trong dịp khác), đã đẻ ra 1 trong những cái dở nhất là chấm khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên có trình độ khá giỏi.
Nên lưu ý rằng, chỉ những sinh viên có điểm học trung bình suốt 7 học kỳ là 7,5 điểm trở lên (tùy theo trường), mới được làm khóa luận tốt nghiệp. Số sinh viên này chiếm khoảng 30-50% tổng số sinh viên.
Không biết do đâu (chắc là để tiết kiệm kinh phí, tăng thu) mà ngành giáo dục cắt giảm số tiết của giảng viên hướng dẫn cũng như bỏ luôn cả Hội đồng bảo vệ khóa luận tốt nghiệp như mọi năm. Chỉ giao việc định đoạt cả một công trình nghiên cứu cho 2 cán bộ chấm? Điều vô lý này đã đẩy chất lượng giáo dục đại học đến chỗ trớ trêu.
Việc chấm thi chứ không tổ chức bảo vệ đã tầm thường hóa công việc nghiên cứu đầu tiên của sinh viên. Nó không còn là một công trình theo đúng nghĩa của từ này mà chỉ là một bài thi chẳng cần... giám thị!
Thử hình dung nếu học kém, thi tốt nghiệp còn có 2 cán bộ coi thi, rọc phách, 2 cán bộ chấm; đằng này, chỉ 2 giáo viên biết rõ đó là ai, tha hồ "bắt tay" nhau để cho điểm (tất nhiên không phải giảng viên nào cũng vậy). Mối quan hệ thầy trò, thiên vị là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Trong thực tế, đã có 1 câu chuyện sau: Một sinh viên sau khi tốt nghiệp xong đã nói thẳng ra rằng suốt 3 tháng làm khóa luận tốt nghiệp, anh ta không làm mà thuê người viết hộ, đến kỳ hạn về nộp cho thầy, thầy chẳng biết đó là đâu? 3 tháng rảnh rang đó anh ta tha hồ kiếm tiền, học cách tiếp cận thị trường bằng đủ kiểu...
Cách học- thi này thực chất đã và đang giết dần giết mòn các ngành khoa học cơ bản. Nếu khoa học cơ bản mà không nghiên cứu thì đào tạo để làm gì? Nếu nghiên cứu mà coi đó như là trò chơi thì cái gọi là khoa học sẽ đi về đâu?...
Đề tài về giáo dục luôn là cả 1 câu chuyện có rất nhiều chương hồi chua chát. Điều đau lòng của rất nhiều thầy, cô giáo là mọi sự góp ý của dư luận đã được cơ quan chủ quản tiếp nhận theo cung cách nghe và... không giải quyết. Đến nhiệm kỳ sau lại có người nghe tiếp rồi... để đó.
Không thể thay đổi sự tụt hậu của đất nước nếu giáo dục trì trệ và chất lượng yếu kém như hiện nay. "Một trăm phần trăm" là bài ca buồn của cả đầu vào (tốt nghiệp THPT) và đầu ra (tốt nghiệp ĐH). Bộ GD-ĐT nghĩ sao khi đang "thành tích hóa" kỳ thi tốt nghiệp THPT và "tầm thường hóa" kỳ thi tốt nghiệp đại học?
Và chừng nào ngành giáo dục còn chạy theo căn bệnh thành tích; chừng nào việc thi cử chỉ nhằm tạo ra kết quả... đẹp; và chừng nào mà mỗi mùa thi vẫn là "cơ hội vàng" để dạy thêm, "hỗ trợ thêm" trong các mùa thi, thì chừng đó, tiêu cực vẫn diễn ra và bài ca đỗ tốt nghiệp 100% vẫn sẽ tiếp diễn.
Theo TuanVietNam

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Người Việt Nam có hạnh phúc thứ 2 thế giới?

Việc xếp hạng cần phải dựa trên những tiêu chí toàn diện và chỉ số chính xác do những tổ chức có uy tín trên thế giới khảo sát và công bố... Việc khảo sát và chọn mẫu phải mang tính đại diện và chọn lọc cao vì khảo sát nhận thức của một người dân bình thường khác hẳn với một chuyên gia.
Mới đây, hàng loạt báo mạng Việt Nam đưa tin "Người Việt Nam hạnh phúc thứ 2 trên thế giới", rồi "Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 2 trên thế giới" theo đánh giá của Quỹ Kinh tế mới (NEF) dựa trên chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI).
Đánh giá này dựa trên "các yếu tố như việc người dân hài lòng với cuộc sống hiện có, tuổi thọ bình quân cao, và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ít gây tác động tới môi trường" hay còn được gọi là "dấu chân sinh thái".
Xếp hạng này làm dấy lên những nghi ngờ về tính xác thực liệu người Việt Nam có hạnh phúc thứ 2 trên thế giới?
Nên hiểu thế nào về chỉ số hành tinh hạnh phúc?
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, "chỉ số hành tinh hạnh phúc (tiếng Anh: Happy Planet Index, viết tắt HPI, có tài liệu dịch là Chỉ số hạnh phúc hành tinh) là chỉ số do NEF (New Economics Foundation - một tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh) công bố.
Kết quả dựa vào các số liệu chọn lọc từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các số liệu do chính NEF điều tra.
Chỉ số này nói lên mối quan hệ giữa tuổi thọ, cảm giác thoải mái và các hành vi tác động đến môi trường. Do vậy đây không phải là chỉ số thuần túy đo hạnh phúc của một quốc gia. Điều này có nghĩa là một nước có chỉ số HPI cao chưa chắc đã là nước hạnh phúc thực sự mà có thể vì họ... không khai thác quá nhiều tài nguyên.
Do đó, dễ dàng nhận thấy là những quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển nhất tại châu Á, Nam Mỹ lại được xếp đầu bảng, trong khi những quốc gia công nghiệp giàu mạnh tại Bắc Mỹ, châu Âu lại thường nằm cuối bảng vì họ đã tận dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên".
Mặc dù vậy, do tầm nhìn và nhận thức khác nhau về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia giàu có khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu so với các quốc gia nghèo ở Châu Á và Châu Mỹ La tin nên có lẽ một số người (được khảo sát) ở những quốc gia nghèo lại cho rằng quốc gia của mình chưa bị khai thác tài nguyên thiên nhiên vì "vẫn còn cái để bán" (?).
Ngoài ra, phải chăng người dân ở các các quốc gia kém phát triển có xu hướng tự hài lòng với cái mà họ đang có nên chẳng cần phải cố gắng nhiều (nói tóm lại là làm biếng) nên họ cảm thấy hạnh phúc hơn? Phải chăng chính điều này dẫn đến sự nhầm lẫn khi phân tích số mẫu thu được?
Cũng theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, "theo bảng xếp hạng năm 2006, Việt Nam đứng ở vị trí số 12 trên thế giới và cao nhất Châu Á. Trong 30 nước dẫn đầu phần lớn là các nước đang phát triển, 2 quốc gia thuộc Đông Nam Á khác là Philippines và Indonesia lần lượt nắm các vị trí 17 và 25, Cuba còn xếp đến thứ 6.
Những con số trên cho thấy tính độc lập rất lớn của các tiêu chí do NEF đưa ra với các chỉ số khác như HDI (chỉ số phát triển con người) và GDP (tổng sản phẩm quốc nội). Vì các nước có chỉ số HPI cao lại thường có HDI và GDP thấp và ngược lại.
Bằng chứng là Vanuatu, nước có chỉ số phát triển con người đứng thứ 120 thế giới lại là nước có HPI cao nhất, còn Hoa Kỳ nước giàu có nhất thế giới, thu nhập theo đầu người xếp ở vị trí thứ 4 (tính theo sức mua tương đương) và thứ 9 (tính theo danh nghĩa) lại chỉ xếp hạng 150 trên tổng số 178 nước được khảo sát".
Nhìn vào bảng xếp hạng đến năm 2009, Việt Nam được lên hạng 5 và năm 2012 vọt lên hạng thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, do các nước "có chỉ số hành tinh hạnh phúc cao nhưng lại có chỉ số phát triển con người thấp và ngược lại" nên việc hàng loạt báo chí trong nước đưa tin, kể cả Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, mà không có sự giải thích rõ ràng làm nhiều người lầm tưởng là "Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 2 trên thế giới".
Thế nào là một quốc gia hạnh phúc?
Muốn biết một quốc gia thật sự có hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hay không, chúng ta hãy nhìn vào cách xếp hạng và Chỉ số Phát triển của Liên Hiệp Quốc.
Theo đó Na Uy đứng hàng đầu thế giới về hạnh phúc trong khi CH Công Gô đứng ở vị trí cuối bảng.
Chỉ số phát triển của Liên Hiệp Quốc năm 2011 khảo sát mức độ hạnh phúc của các quốc gia dựa trên các chỉ số như thu nhập, giáo dục, y tế, tuổi thọ, kinh tế, bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Căn cứ vào những tiêu chí này, có thể thấy sự tương đồng về chỉ số do Tổ chức New Economics Foundation (NEF) đưa ra nhưng các chỉ số phát triển do Liên Hiệp Quốc sử dụng lại có tính đại diện và chính xác cao hơn rất nhiều.
Bởi có thêm nhiều yếu tố cực kỳ quan trọng như thu nhập cao, giáo dục và y tế phát triển, kinh tế hiệu quả, bình đẳng giới cao và phát triển bền vững nếu so với 3 chỉ số chỉ bao gồm "sự trải nghiệm hài lòng của người dân, tuổi thọ bình quân cao và tiêu thụ tài nguyên ít gây tác động môi trường".
Theo tác giả Cảnh Toàn (SGTT-18/6), công thức tính mà NEF đưa ra như sau: Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) = chỉ số hài lòng cuộc sống (EW) x với tuổi thọ trung bình (LE)/ chỉ số dấu ấn sinh thái (EF).
Để đo lường độ hài lòng cuộc sống, NEF sử dụng các câu hỏi khảo sát của tổ chức thăm dò uy tín Gallup, người tham gia sẽ đưa ra câu trả lời định lượng trong thang điểm 0 (kém nhất) đến 10 (tốt nhất).
Chỉ số này của Việt Nam là 5,8/10. Với 2 chỉ số còn lại, NEF sử dụng số liệu từ Báo cáo phát triển con người của Liên Hiệp Quốc năm 2011 (tuổi thọ trung bình) và của tổ chức Global Footprint Network năm 2012 (chỉ số EF). Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lại lấy chỉ số hài lòng với cuộc sống nhân với tuổi thọ trung bình và chia cho dấu ấn sinh thái để ra... chỉ số hạnh phúc hành tinh?
Ảnh minh họa
Trong 3 yếu tố trên thì yếu tố nào là quan trọng nhất để có thể cho điểm trung bình (average weight) một cách chính xác nhất?
Tác giả Cảnh Toàn lý giải rằng "nếu đặt trong bối cảnh Việt Nam (EF = 1,4) là nước đang phát triển, sự khai thác môi trường chưa thực sự đậm đặc như các nước công nghiệp, đồng thời sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chất lượng sống và sức khoẻ người dân được cải thiện nên có thứ hạng cao".
Lý giải này có vẻ chỉ đúng trên lý thuyết nhưng hoàn toàn không chính xác trên thực tế. Hãy nhìn nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, chất lượng cuộc sống bị suy giảm, con người ngày càng trở nên giả dối, nền văn hóa bị xuống cấp sẽ thấy rõ tất cả.
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi kết quả khảo sát của NEF luôn trái ngược với kết quả của Tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Hạnh phúc nhất và... kém hạnh phúc
Theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, 10 quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới năm 2011 bao gồm: Na Uy, Úc, Hà Lan, Mỹ, New Zealand, Canada, Ireland, Liechtenstein, Đức, Thụy Điển.
Trong khi 10 quốc gia kém hạnh phúc nhất thế giới là: Guinea, Cộng hòa Trung Phi, Sierra Leone, Burkina Faso, Liberia, Chad, Mozambique, Burundi, Niger, Cộng hòa Công Gô. Điểm duy nhất mà cách xếp hạng của hai Tổ chức này gặp nhau là... CH Công Gô đứng cuối bảng.
Chính vì cách xếp hạng không dựa vào chuẩn mực trên đã làm nhiều người ngộ nhận.
Từ 2 cách xếp hạng này, có thể thấy được điều gì?
Thứ nhất, việc xếp hạng cần phải dựa trên những tiêu chí toàn diện và chỉ số chính xác do những tổ chức có uy tín trên thế giới khảo sát và công bố.
Thứ hai, việc khảo sát và chọn mẫu phải mang tính đại diện và chọn lọc cao vì khảo sát nhận thức của một người dân bình thường khác hẳn với một chuyên gia. Đặc biệt, Việt Nam từ một quốc gia nghèo và vừa vươn lên thành một nước có thu nhập trung bình thấp nên có lẽ một số người nhầm tưởng rằng như thế là "hạnh phúc quá đỗi" bởi "96% người Việt Nam cho rằng "có tiền là hạnh phúc".
Chính vì cách xếp hạng không dựa vào chuẩn mực trên đã làm nhiều người ngộ nhận.
Điều này cũng giống như cách xếp hạng các trường đại học của Tổ chức Webometrics.
Cách xếp hạng này, chủ yếu dựa trên tần suất xuất hiện trên web của các trường, thông qua 4 tiêu chí size, visibility, rich file và scholar, rồi kết luận rằng Việt Nam có 3 trường thuộc top 100 khu vực Đông Nam Á, bao gồm Trường ĐH Cần Thơ (đứng thứ 60), Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM (78), và ĐHQG TP.HCM: (95).
Để biết 1 trường đại học được đánh giá như thế nào, cần phải trên các tiêu chí chuẩn mực.
Ví như số bài báo quốc tế theo danh sách ISI, số giải thưởng uy tín quốc tế, nguồn kinh phí tài trợ nghiên cứu, số bằng phát minh sáng chế, hợp đồng nghiên cứu, số giảng viên có học hàm học vị cao (thực chất chứ không phải "dỏm"), tỉ lệ giảng viên/ sinh viên, số nghiên cứu sinh nước ngoài theo học tại trường, đánh giá độc lập của chuyên gia, cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập....
Chứ không thể chỉ đơn giản dựa trên 4 tiêu chí chủ yếu là tần suất xuất hiện trên web bởi ngay cả 2 Tạp chí xếp hạng các trường đại học có uy tín hiện nay như Times Higher Education và Giao thông Thượng Hải còn bị phê bình là thiếu tính toàn diện.
Trở lại với chỉ số hành tinh hạnh phúc, chúng ta hãy nhìn vào một vài quốc gia bị cô lập gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nên nếu người dân được ban phát điều gì đều được xem là "ân sủng" và "vui sướng tột cùng", thì cảm giác "hạnh phúc" cũng là điều dễ hiểu.
Đức Phật còn phải trải qua 81 kiếp nạn mới thành chính quả thì sự gian truân của con người để tu hạnh và đạt được hạnh phúc là điều cực kỳ nan giải, nữa là một quốc gia còn đang phát triển, còn đang nhiều "vấn nạn".
Thiết nghĩ "người Việt Nam có hạnh phúc thứ 2 trên thế giới?'' đã có câu trả lời.
Theo Tuanvietnam