Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Dũng cảm nhảy cầu Bình Triệu cứu người

Chiều 13.5, một cô gái chạy xe gắn máy theo hướng từ quận Thủ Đức vào Bình Thạnh (TP.HCM). Đến giữa cầu Bình Triệu, cô dừng xe, cởi áo khoác, bỏ lại đôi dép, leo lên thành cầu nhảy xuống sông Sài Gòn.
Nhiều người đi đường tò mò dừng xe lại khiến cầu nhanh chóng bị ùn ứ, nhưng không ai có phản ứng gì để cứu cô gái.
Lúc đó, anh Danh Nghĩa chở một người bạn đi ngang qua, thấy sự việc lập tức dừng xe. Lúc này nước sông Sài Gòn đang chảy rất mạnh và trong tích tắc, cô gái đã bị cuốn trôi về giữa khu vực cầu Bình Triệu 2 và 1.
Thấy cô gái chới với dưới dòng nước, anh Nghĩa vội cởi chiếc áo khoác, nhảy bổ xuống sông cứu người.
Trong tích tắc, anh Nghĩa tiếp cận, kéo giữ được cô gái nhưng cả hai bị dòng nước cuốn đi qua khỏi cầu Bình Triệu 1. Dòng nước chảy rất mạnh, nhưng anh Nghĩa nhanh trí bám vào trụ chống va của cây cầu.
Nhiều người đi đường kêu gọi những chiếc canô, chiếc tàu đi ngang qua vớt hai người lên.
Khoảng 10 phút sau, một chiếc ca nô dừng lại, đưa hai người lên bờ. Lúc này cô gái đã ngất nên nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.
Sau khi được cấp cứu, cô gái đã qua cơn nguy kịch. Theo lời một người thân của cô gái, do buồn chuyện cá nhân nên cô quẫn trí tìm đến cái chết. Mặc dù vậy, sau khi được cứu sống, cô rất ân hận và rối rít cám ơn Nghĩa.
Anh Danh Nghĩa sinh năm 1989, quê ở xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Nghĩa cho biết lâu nay phụ gia đình làm việc ở quê, vừa rồi theo lời vài người bạn cùng đi lên Tân Uyên, Bình Dương xin việc làm.
“Tụi em mới lên Bình Dương hôm trước (ngày 12.5), hôm 13.5 đi vào quận 7, TP.HCM để lấy đồ, đi ngang cầu Bình Triệu 2 chứng kiến sự việc liền nhảy xuống sông cứu người. Quả thật, giờ nghĩ lại cũng có chút sợ vì không biết được dưới dòng nước có vật gì nguy hiểm. Nhưng lúc đó em thấy cứu người là quan trọng nên không nghĩ đến chuyện này”, Nghĩa nói.
Nghĩa hồn nhiên nói tiếp: “Lúc nhảy xuống sông, em quên móc cái bóp trong túi quần ra nên bị mất nhiều giấy tờ tùy thân và một ít tiền. Tới đây em phải về quê làm lại CMND mới trở lên xin việc làm”.
Nghĩa cho hay, cầu Bình Triệu có cao thật, nhưng ở Kiên Giang bạn hay đi biển nên việc nhảy xuống cứu người là bình thường. Có điều, với độ cao như vậy, phải có kinh nghiệm để khi tiếp nước không bị ép tim.
Nghĩa chia sẻ: “Nhiều người suy nghĩ bi quan tìm đến cái chết, như vậy là dại quá. Hãy nên nghĩ đến gia đình, người thân, bởi đâu phải chết là xong, mà còn để lại đau khổ cho người thân, gia đình”.
Mời bạn đọc xem chùm ảnh anh Danh Nghĩa nhảy sông cứu người:
Dũng cảm cứu người ở cầu Bình Triệu 1
Không chần chừ, anh Nghĩa nhảy xuống sông Sài Gòn
Dũng cảm cứu người ở cầu Bình Triệu 2
Chuẩn bị tiếp nước
Dũng cảm cứu người ở cầu Bình Triệu 3
Chạm mặt sông
Dũng cảm cứu người ở cầu Bình Triệu 4
Nhanh chóng bơi đến chỗ cô gái bị nạn
Dũng cảm cứu người ở cầu Bình Triệu 5
Ban đầu Nghĩa bị “kẹt” trong đám lục bình do bơi đường thẳng
Dũng cảm nhảy cầu cứu người ở cầu Bình Triệu 6
Vượt qua đám lục bình, Nghĩa sắp tiếp cận được cô gái
Dũng cảm nhảy cầu cứu người ở cầu Bình Triệu 7
Nghĩa đã giữ được cô gái và bám vào trụ chống va của cầu Bình Triệu 1
Dũng cảm nhảy cầu cứu người ở cầu Bình Triệu 8
Mười phút sau, một ca nô đến ứng cứu hai người
Dũng cảm nhảy cầu cứu người ở cầu Bình Triệu 9
Cô gái đã bị ngất, nhanh chóng được đưa đi cấp cứu
Dũng cảm nhảy cầu cứu người ở cầu Bình Triệu 10
Anh Danh Nghĩa
Tin, ảnh: Minh Anh

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

EVN lại rục rịch đòi tăng giá điện

Ngày 12.5, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã trình Bộ Công thương 3 phương án tăng giá điện. Thứ nhất: tăng giá dưới 5%, thứ hai tăng 10%, thứ ba tăng trong khoảng 5-10%.
Điệp khúc kêu lỗ đòi tăng giá của ngành điện lực
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), hiện đơn vị này chưa nhận được bất cứ đề xuất nào từ EVN.
"Việc điều chỉnh giá điện hay không sẽ được liên bộ Tài chính - Công thương tính toán, cân nhắc dựa trên mục tiêu đưa giá điện vận hành theo thị trường nhưng đảm bảo kiềm chế lạm phát" - vị lãnh đạo này nói.
Trước đó, ngày 10.5, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến thời điểm này, các yếu tố đầu vào đã khiến giá điện tăng gần 3,3% (42,9 đồng/kWh).
Theo quy định tại Quyết định 24 của Chính phủ về điều hành giá điện, trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản nhỏ hơn 5% so với giá bán hiện hành, EVN tính toán phân bổ vào giá bán điện bình quân chi phí sản xuất, kinh doanh chưa được tính hết vào giá bán điện để điều chỉnh giá bán bình quân tối đa 5%, sau khi báo cáo Bộ Công Thương.
Như vậy, với việc thông số đầu vào làm tăng giá điện khoảng 3,3% mà Cục Quản lý Giá đưa ra thì việc tăng giá điện chỉ là vấn đề thời gian.
Theo PLTP

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

21 bệnh nhân phong tàn phế kêu khóc vì bị bỏ đói

Những bệnh nhân này không thể tự phục vụ, bị nhân viên Trung tâm da liễu Hà Đông (Hà Nội) phát gạo, thịt sống, rau rồi bỏ mặc. Nhiều người kêu khóc vì đói bởi không biết làm thế nào nấu ăn được.
Sự việc xảy ra sáng 4/5, ngày 10/5 đã được Sở Y tế Hà Nội xác nhận và yêu cầu kiểm điểm.
Khoa điều trị nội trú của Trung tâm da liễu Hà Đông nằm tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội, có 91 bệnh nhân phong, trong đó 70 người còn khả năng tự sinh hoạt, 21 bệnh nhân nặng thuộc diện được chăm sóc hoàn toàn ở một khu khác.
Một y tá làm việc tại Khoa Điều trị nội trú, Trung tâm Da liễu Hà Đông, cho biết, gần 10h sáng 4/5, khi đi khám cho các bệnh nhân phong thuộc loại phải chăm sóc hoàn toàn thì chị thấy nhiều người kêu khóc vì đói.
Ảnh: Quốc Doanh.
Một bệnh nhân phong nặng tại Trung tâm da liễu Hà Đông không còn khả năng tự phục vụ nhưng được phát thịt sống, rau, gạo hôm 4/5. Ảnh: Quốc Doanh.
Cụ Vũ Thị Bớt, 89 tuổi (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) - một trong số những bệnh nhân bị đói - kể, sáng đó cụ được các hộ lý mang đến phòng một phần gạo đủ nấu hai bữa sáng và chiều, một vài miếng thịt sống cùng ít rau. Cụ thấy lạ hỏi lại thì được trả lời: "Bếp ăn hết gas, không nấu được, nên phải phát đồ sống, còn các cụ làm thế nào thì tùy".
"Tay chân tôi bị phong hết, không tự nấu được nên đành nhờ người pha cho gói mì tôm ăn tạm và nhịn đói đến tối”, cụ Bớt kể.
Thân hình gầy mòn, chân trái bị cụt đến gối do virus phong ăn mòn, cụ Nguyễn Văn Dậu, 77 tuổi (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), cho biết, cụ điều trị tại khoa nội trú của trung tâm từ năm 1999 đến nay và chưa bao giờ bị bỏ đói như vậy.
"Họ thừa biết chúng tôi không thể tự làm gì được, vậy mà vẫn làm thế. Trước đây, cũng có lần tôi bị ốm nặng, phải nằm điều trị 20 ngày trong bệnh xá, các hộ lý không cho tôi ăn, không tắm rửa, thay quần áo cho tôi lần nào. Tôi đành phải 'thuê' hai bệnh nhân khỏe mạnh khác trong khoa nấu ăn và tắm rửa cho", cụ Dậu kể.
Một y tá công tác tại khoa điều trị nội trú, Trung tâm Da Liễu Hà Đông 18 năm cho biết, đã nhiều lần thông báo tình trạng của các bệnh nhân bị bỏ đói tới ông Vũ Văn Trình, Phó giám đốc Trung tâm Da liễu Hà Đông, người trực tiếp quản lý khoa điều trị nội trú để xin chỉ đạo nhưng ông này nói đây không thuộc thẩm quyền của mình và không có động thái gì.
Chiều 10/5, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội trả lời phóng viên về vụ việc Trung tâm da liễu Hà Đông để cho bệnh nhân phong nặng bị đói. Ảnh: Minh Thùy.
Chiều 10/5, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội trả lời phóng viên về vụ việc Trung tâm da liễu Hà Đông để cho bệnh nhân phong nặng bị đói. Ảnh: Minh Thùy.
Trả lời báo chí chiều 10/5, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về vụ việc nhiều bệnh nhân phong nặng bị bỏ đói, chiều 6/5, lãnh đạo Sở Y tế và các phòng ban chức năng đã xuống làm việc với Ban Giám đốc và tập thể, cá nhân liên quan của Trung tâm da liễu Hà Đông tại Khoa điều trị nội trú.
"Vụ việc trên là có thật, và họ giải thích do bếp tập thể hết ga", ông Cường nói.
Sở Y tế đã kiểm điểm các sai phạm với những người có liên quan và yêu cầu lãnh đạo Trung tâm Y tế Hà Đông phải báo cáo lại tình hình trước ngày 14/5.
Ông Cường cho biết, Sở cũng đã chỉ đạo Ban giám đốc khu điều trị bệnh phong và da liễn có sự phân công rõ ràng và tuyệt đối không để tình trạng bệnh nhân bị đói xảy ra thêm bất kỳ lần nào nữa, cũng như giải quyết đầy đủ chế độ cho những bệnh nhân theo diện được chăm sóc hoàn toàn như chính sách nhà nước.
Vụ việc này cũng đã được Sở Y tế Hà Nội báo cáo bằng văn bản với UBND thành phố.
Theo VNE