"Nếu sau 2 năm lãnh đạo mà phiếu tín nhiệm quá thấp thì cán bộ
phải thôi chức. Đương nhiên tôi cũng phải thực hiện, tôi đã sẵn sàng", Bí thư
Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị bày tỏ.
> 'Hai
năm liền tín nhiệm thấp sẽ xem xét cho thôi chức'/ Lấy
phiếu tín nhiệm hàng năm với chức danh trong Đảng
Ba tuần sau hội nghị toàn quốc, ngày 20/3 Hà Nội đã tổ chức Hội
nghị quán triệt nghị quyết trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng
hiện nay". Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, nghị quyết đã chỉ ra nhiều vấn
đề quan trọng, trong đó cán bộ, đảng viên phải tự phê bình, dám nhìn thẳng vào
sự thật.
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị: "Mua tài sản lớn, cán bộ phải chứng minh được nguồn tiền". Ảnh: Tiến Dũng |
Ông Nghị nhấn mạnh tới tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ
phận lãnh đạo, đảng viên các cấp, nhiều cán bộ chuộng hình thức, sử dụng lãng
phí tài sản công. "Khi lãnh đạo trung ương về tỉnh làm việc luôn được đón tiếp
với khẩu hiệu: nhiệt liệt chào mừng. Đi làm việc là bình thường chứ sao cứ phải
"nhiệt liệt chào mừng". Dịp lên Tây Bắc vừa qua, mặc dù đã dặn trước song có
tỉnh vẫn có khẩu hiệu chào mừng, tôi phải ngồi chờ phòng khách đến khi tháo gỡ
mới vào làm việc", Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị bày tỏ.
Ông Nghị phân tích, cán bộ phải điều chỉnh khi nào nên đi xe tập
thể, lúc nào đi xe riêng. Có cán bộ huyện Thanh Trì, Gia Lâm đi xe rất cũ song
cũng có những lãnh đạo quận, huyện thay xe mới liên tục, lại còn đổ tại cấp
dưới. "Lãnh đạo đó trình bày do anh em cấp dưới tự thay xe. Xe đó mình không đi
thì anh em bế mình lên hay sao", ông Nghị nói.
Đề cập chủ trương lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh cán bộ
bầu cử trong Đảng và chính quyền hàng năm, ông Nghị cho rằng, trước kia, cứ 5
năm một kỳ bầu cử, giờ hàng năm lấy phiếu tín nhiệm, nếu ai không đáp ứng thì
nhiều lắm là sau 2 năm phải thôi chức. Việc lấy phiếu tín nhiệm phải tiến hành
thường xuyên mới có hiệu quả đánh giá cán bộ.
"Theo cơ chế mới, nhiều người cùng đánh giá một người thì khách
quan hơn, ai mà né tránh không tham gia thì cũng bị đánh giá. Nếu sau 2 năm tín
nhiệm quá thấp thì cũng phải thôi chức. Đương nhiên tôi cũng phải thực hiện, tôi
sẵn sàng", ông Nghị bày tỏ.
Ông Nghị cũng cho biết, thời gian tới Hà Nội sẽ hoàn thiện cơ
chế kê khai tài sản cán bộ. Nếu mua tài sản lớn cán bộ phải chứng minh được
nguồn tiền, nếu không sẽ bị coi là bất chính.
Hà Nội hiện có 340.000 đảng viên, theo ông Nghị, hiệu quả triển
khai nghị quyết trung ương 4 không chỉ có ý nghĩa quan trọng với thủ đô mà còn
sẽ góp phần tạo chuyển biến trong cả nước. "Cơ thể của Đảng muốn khỏe mạnh thì
mỗi đảng viên phải khỏe mạnh, ai bị ốm thì phải tập thể dục, uống thuốc, phẫu
thuật, nếu không sẽ bị loại bỏ", người đứng đầu Hà Nội ví von.
Nghị quyết trung ương 4 đã chọn một số vấn đề cấp bách nhất về xây dựng Đảng hiện nay để tập trung chỉ đạo. Vấn đề thứ nhất là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Vấn đề thứ hai là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vấn đề thứ ba là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. |
Đoàn Loan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét